Lượt xem: 175

Hội Nông dân huyện Châu Thành tích cực công tác vận động hội viên nông dân thực hiện cánh đồng sản xuất lúa tập trung

Thời gian qua, các cấp Hội Nông dân trên địa bàn huyện Châu Thành hỗ trợ xây dựng, phát triển các mô hình kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa, bảo đảm an toàn thực phẩm, thân thiện môi trường, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống, gắn mô hình sản xuất với xây dựng chi hội, tổ hội theo nghề nghiệp đạt kết quả tích cực.

    Nổi bật là công tác phối hợp chặt chẽ các ngành liên quan, nhất là Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, tập trung đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền theo cả chiều rộng và chiều sâu, từ cán bộ cơ sở đến tận nông dân để thực sự hiểu rõ vai trò, ý nghĩa, lợi ích yêu cầu của việc tham gia xây dựng cánh đồng lúa sản xuất tập trung, từ đó nông dân chủ động, tự giác tham gia.


Cánh đồng sản xuất lúa tập trung tại xã Phú Tân, huyện Châu Thành. Ảnh Thu Ngân

 

    Mô hình cánh đồng sản xuất lúa tập trung được nhân rộng dần theo từng vụ, đến nay trên địa bàn huyện thực hiện được 90 điểm, diện tích 12.664 ha. Liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp 4.226 ha. Tham gia cánh đồng sản xuất tập trung, nông dân giảm được chi phí bình quân 1,8 triệu đồng/ha do liên kết, hợp tác tổ chức sản xuất; sử dụng cùng loại giống; ứng dụng kỹ thuật mới IPM, 3 giảm 3 tăng; tổ chức các dịch vụ phục vụ quá trình canh tác, ứng dụng cơ giới hóa trong khâu sản xuất; tạo điều kiện cho nông dân liên kết với doanh nghiệp, cung ứng vật tư nông nghiệp với giá có lợi hơn cho nông dân; năng suất bình quân đạt từ 7 tấn/ha trở lên, được thương lái mua cao hơn từ 200 - 300đ/kg, sau khi trừ chi phí nông dân lãi từ 15 - 18 triệu đồng/ha, cao hơn sản xuất riêng lẻ từ 2 - 4 triệu đồng/ha. Qua tổng kết hàng năm, bà con nông dân bày tỏ rất tâm đắc và mong muốn được nhân rộng để nhiều bà con được hưởng lợi.

    Đầu tư cho chương trình này chủ yếu từ nguồn lực tại chỗ là chính, Nhà nước đầu tư chủ yếu ở giai đoạn đầu như giống và quy trình kỹ thuật canh tác, tạo điều kiện cho nông dân tự tổ chức sản xuất, sắp xếp lại các dịch vụ hiện có trên địa bàn; ứng dụng cơ giới hóa trong khâu thu hoạch, kêu gọi công ty kinh doanh nông dược, phân bón tham gia chương trình từ đó giảm được chi phí sản xuất; liên kết các doanh nghiệp thu mua lúa với giá cao hơn thị trường, đồng thời phát huy hiệu quả tinh thần hợp tác giữa tổ hợp tác với các thành viên và cộng đồng. Như vậy, một khi hình thành được vùng sản xuất có quy mô lớn, việc áp dụng cơ giới hoá sẽ trở nên thuận lợi, từ khâu trồng, bón phân, làm cỏ, chăm sóc đến thu hoạch, giảm được chi phí sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế; cây trồng được chăm sóc sinh trưởng tốt hơn; phát huy mối liên kết giữa 4 nhà; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, giúp người nông dân giảm được chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị hàng hóa, nâng cao thu nhập cho nông dân; nhưng quan trọng hơn cả là đã làm cho người nông dân dần thay đổi tư duy sản xuất nhỏ lẻ, để hướng đến nền sản xuất hàng hoá. Đây có thể nói là bước đột phá, là động lực thúc đẩy xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện thời gian qua.

    Qua thực tế xây dựng cánh đồng sản xuất lúa tập trung vừa qua, Hội Nông dân huyện đề ra những giải pháp trong thời gian tới, như mỗi năm phải đánh giá xác định lại hiệu quả của mô hình; chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa nhanh cơ giới hóa vào trong quá trình sản xuất, thu hoạch nhằm giảm chi phí sản xuất, tổn thất sau thu hoạch, góp phần tăng năng suất lao động và bảo đảm chất lượng sản phẩm, đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Đặc biệt, coi trọng công tác vận động, tuyên truyền, thuyết phục, hướng cho nông dân tự tổ chức sản xuất, tự bầu chọn nhóm người quản lý điều hành. Tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng cho cán bộ, người dân trên địa bàn các xã, thị trấn hiểu rõ ý nghĩa, mục đích và yêu cầu của việc xây dựng mô hình “cánh đồng tập trung” để mọi người tích cực tham gia; phổ biến và cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời về các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, nông dân để họ mạnh dạn đầu tư nâng cao hiệu quả sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Đồng thời ngành chức năng kết hợp chính quyền cơ sở thường xuyên kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện, hỗ trợ doanh nghiệp và tổ chức đại diện nông dân trong việc tổ chức, thực hiện liên kết cánh đồng tập trung; xử lý các tranh chấp trong hợp đồng, hạn chế tình trạng phá vỡ hợp đồng giữa doanh nghiệp với nông dân.

Trần Thu Ngân



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 79
  • Hôm nay: 58
  • Trong tuần: 70,485
  • Tất cả: 11,802,492